Home / Bí kíp / Bạn biết gì về ruộng bậc thang ở Việt Nam?

Ruộng bậc thang là gì?

Ruộng bậc thang là hình thức canh tác trên đất dốc của nhiều dân tộc trên thế giới. Không giống vùng đồng bằng được thiên nhiên ưu đãi, ở các vùng núi cao hiếm đất bằng để canh tác, vậy nên người dân địa phương đã chọn các vạt đất ở sườn núi bạt thành các tầng, bậc, rồi dẫn nước từ các con suối để tạo thành các ruộng bậc thang trồng lúa.

ruong bac thang mua lua chin

Ruộng bậc thang thường được làm ở đâu?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần trả lời câu hỏi: ruộng bậc thang có từ bao giờ?

Theo nghiên cứu tài liệu thì cách đây khoảng 400 năm, những người dân tộc Mông, Dao,… di cư đến các vùng núi cao ở Đông – Tây Bắc để định cư, nhưng lúc đó những vùng thung lũng như Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Tấc (Sơn La) đã có người dân tộc bản địa là Thái, La Ha đang sinh sống. Chính vì vậy mà họ phải chọn những dãy núi cao từ 1.600m – 2.000m so với mực nước biển như Khau Phạ (Yên Bái), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) để định cư. Để có lương thực nuôi sống bản thân và gia đình, những người dân tộc này đã chọn hình thức canh tác lúa, ngô trên những quả núi đất có độ dốc cao. Ban đầu, họ chỉ làm những thửa ruộng ngay dưới chân núi để chủ động nguồn nước suối tưới tiêu. Sau này khi số lượng người đông lên, người dân làm ruộng bậc thang càng ngày càng cao, chạy lên tận đến đỉnh núi, hình thành nên những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ôm trọn những quả núi như ngày nay.

ruong bac thang mua lua chin 2

Tiếng Mông, bậc thang gọi la làn đáy. Mặc dù nhìn có vẻ đơn giản nhưng canh tác trên ruộng bậc thang đòi hỏi rất nhiều công sức, khó nhất là phải tìm được những ngọn núi đủ đất và đặc biệt là nguồn nước. Theo người dân bản địa nơi đây thì không phải quả núi nào cũng có thể khai khẩn để làm ruộng bậc thang, phải là những quả núi có độ dốc vừa phải, có khả năng tạo mặt bằng và ít sỏi đá, có nguồn nước từ khe suối mới có thể làm ruộng được. Sau khi chọn được địa hình phù hợp, người dân sẽ tiến hành san tạo mặt ruộng, chia thành các bậc tam cấp, làm bờ giữ nước. Độ cao giữa thửa ruộng trên và thửa ruộng dưới thường dao động từ 1m – 1.5m.

Ruộng bậc thang chính là phương thức canh tác hiệu quả trên đất đồi, núi. Trải qua lịch sử hàng thế kỷ, ban đầu chỉ đơn giản là một hình thức kiếm sống, ruộng bậc thang đã góp một phần quan trọng hình thành nên các phong tục tập quán, tín ngưỡng trong nông nghiệp với những hình thức cúng bái, cầu mùa của các đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó tạo nên những giá trị văn hoá đặc sắc, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương.

Những nơi có ruộng bậc thang đẹp nhất Việt Nam

Với người dân bản địa, ruộng bậc thang đơn giản chỉ là hình thức trồng trọt lấy lương thực, thực phẩm ăn hàng ngày, nhưng vô tình họ đã vô tình tạo ra những “bức hoạ thiên nhiên hùng vĩ’’, và họ là những chính là những “hoạ sĩ chân đất’’. Những thửa ruộng bậc thang không chỉ là một nét văn hoá độc đáo mà nó còn là niềm tự hào rất lớn của người dân bản địa, góp phần không nhỏ để phát triển du lịch địa phương.

hoang su phi

Những danh thắng nổi tiếng về ruộng bậc thang như Mù Cang Chải (Yên Bái), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Y Tý (Lào Cai) đã làm nức lòng không chỉ người Việt mà còn là một điểm đến vô cùng hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Hiện nay, vùng Tây Bắc là nơi có diện tích ruộng bậc thang nhiều nhất cả nước với gần 10.000ha, trong đó Mù Cang Chải có diện tích lớn nhất, 2.200ha, tiếp đến là Sapa với gần 1.000 ha và Hoàng Su Phì có 765ha.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Yên Bái

Mù Căng Chải là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, tọa lạc dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn ở độ cao 1.000m so với mực nước biển, cách Hà Nội khoảng 300km. Ruộng bậc thang Mù Cang Chải có diện tích hơn 2.000ha, trong đó 500ha thuộc 3 xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình đã được xếp hạng là Di tích quốc gia năm 2007, trở thành một trong những danh lam thắng cảnh độc đáo bậc nhất tại Việt Nam.

Một năm người dân ở đây chỉ trồng một vụ lúa, theo đó Mù Cang Chải có hai mùa đẹp nhất, một là vào khoảng tháng 5, tháng 6 khi những thửa ruộng vào mùa đổ nước, người dân đắp đập, ke bờ, dẫn nước vào ruộng để chuẩn bị cày ải, gieo mạ và cấy lúa. Hai là vào mùa lúa chín khoảng tháng 9 tháng 10.

Du lịch Mù Cang Chải, đâu đâu du khách cũng sẽ thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các mặt đồi, từ quả đồi này đến quả đồi khác vô cùng hùng vĩ, ngoạn mục. Thỉnh thoảng những lớp, những tầng ấy bị chia cắt bởi những khe suối, vực sâu và những rừng bạt ngàn. Website When On Earth đã mô tả ruộng bậc thang Mù Cang Chải “là vẻ đẹp tinh tế và hút hồn nhất, và có lẽ độc đáo hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.”

mu cang chai

Các địa điểm ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất ở Mù Cang Chải là bản Lìm Mông (xã Cao Phạ) dưới chân đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, La Pán Tẩn – dấu vân tay của trời với những ruộng lúa hình xoắn ốc vươn lên trời xanh như món quà dâng cho trời đất của người Mông. La Pán Tẩn còn níu chân du khách với những bản làng bình yên nằm trên các sườn đồi, thấp thoáng sau mây. Điểm cuối cùng là Chế Cu Nha với điểm nhấn là Vành Móng Ngựa Mù Cang Chải, (thuộc xã Chế Cu Nha, cách trung tâm huyện Mù Cang Chải khoảng 7km), nơi đây có những ruộng bậc thang vô cùng hùng vĩ, không giống bất cứ một nơi nào khác. Bạn sẽ bị choáng ngợp bởi những ruộng bậc thang kéo dài từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, nép mình bên suối dọc một đoạn dài quốc lộ 32.

Ruộng bậc thang Sapa

Sự ra đời và lịch sử ruộng bậc thang Sapa gắn liền với lịch sử và văn hóa của người Dao, Nùng, Mông, Hà Nhì và La Chí sống trong dãy Hoàng Liên Sơn. Với đời sống tâm linh phong phú, lúa gạo, ruộng bậc thang được coi là thần ruộng, thần lúa.

Do đặc điểm thổ nhưỡng của vùng núi cao, ít đất để canh tác, nên người dân bản địa đã vạt những khoảng đất dọc theo sườn đồi, sườn núi thành những bậc tam cấp có bờ để giữ nước đưa từ đỉnh núi cao hơn hay tùy theo cách canh tác.

du lich sapa 5

Ruộng bậc thang Sapa trong thung lũng Mường Hoa từng được lọt vào top 7 những ruộng bậc thang đẹp nhất châu Á do độc giả tạp chí Leisure & Travel của Mỹ bình chọn. Những ruộng bậc thang Sapa tập trung chủ yếu ở bản Tả Phìn, Lao Chải – Tả Van, tuy không trải dài hàng km, không cao như ở Mù Cang Chải mà thoai thoải, mang một nét rất riêng, xen lẫn với những mái nhà sàn tựa lưng vào vách núi, tạo nên bức họa đồng quê bình yên và gần gũi không lẫn với nơi nào khác. Cũng giống như ruộng bậc thang Mù Cang Chải, ở Sapa có 2 mùa ngắm ruộng bậc thang đẹp nhất, vào mùa nước đổ (tầm tháng 5-6) và mùa lúa chín (tháng 9).

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang

Hoàng Su Phì là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, cách Hà Nội khoảng 300km. Ruộng bậc thang nơi đây có độ dốc cao, nằm cheo veo, vắt vẻo trên những sườn núi dốc đứng, không trải dài bất tận như ruộng bậc thang Chế Cu Nha. Có lẽ vì thế mà nhìn từ trên cao cảnh sắc nơi đây dễ khiến du khách liên tưởng đến những tác phẩm điêu khắc do những nghệ sĩ tài ba mãi dũa công phu từ năm nay qua năm khác.

Nằm dưới chân dãy Tây Côn Lĩnh linh thiêng của người La Chí, Hoàng Su Phì giống như một nàng thơ e thẹn, nguyên sơ của vùng rẻo cao. Cũng vì địa hình hiểm trở, đường đi khó khăn nổi tiếng qua câu nói “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê”, nên nơi đây đến nay vẫn giữ được vẻ hoang sơ và thơ mộng. Con đường từ Bắc Hà (Lào Cai) đi qua Xín Mần (Hà Giang) để tới Hoàng Su Phì chính là con đường mà các phượt thủ vẫn truyền tai nhau là con đường lúa chín đẹp nhất Việt Nam.

ruong bac thang Hoang Su Phi 1

Những xã ở Hoàng Su Phì có ruộng bậc thang nổi tiếng là Thông Nguyên, Bản Phùng, Bản Luốc, Hồ Thầu, Nậm Ty, và Sán Hồ Thầu.

Cái đẹp thường chờ đợi ở cuối những cung đường gian nan, sau những khúc cua tay áo “toát mồ hôi”, thì du khách sẽ được đền đáp xứng đáng với trùng điệp ruộng bậc thang chạy dài từ ven suối lên tận đỉnh, xen lẫn là những cánh rừng nguyên sinh, nương chè cổ thụ tạo thành bức tranh mà bạn khó có thể rời mắt. Với lịch sử khai hoang hàng trăm năm của người La chí, Dao, Nùng, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đã được công nhận là Di tích Quốc gia vào năm 2012 và được đánh giá vào loại đẹp nhất Việt Nam.

Ruộng bậc thang Y Tý

“Nàng tiên” Y Tý mỗi độ thu về lại khoác lên mình chiếc áo vàng rực rỡ của nắng thu hòa cùng màu lúa chín, điểm xuyết những áng mây trắng bồng bềnh phiêu lãng, làm siêu lòng bất cứ vị khách lãng du nào.

Cách Hà Nội 360km, Y Tý là xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, với địa hình tựa lưng vào dãy Nhìu Cồ San, Y Tý quanh năm mây trắng tạo nên cảnh sắc như chốn bồng lai. Vì vậy, nơi đây đã trở thành điểm săn mây, săn lúa quen thuộc của các phượt thủ, đặc biệt những người ưa trải nghiệm. Một năm, Y Tý có 2 mùa ruộng đẹp nhất, 1 là mùa nước đổ (tháng 5), 2 là mùa lúa chín vàng vào tháng 9, đẹp vô cùng.

ruong bac thang y ty
Photo credit: Homestay Y Ty Cloud

Mùa vàng ở Y Tý không mênh mông, bát ngát như Mù Cang Chải, Khau Phạ, không chênh vênh như Hoàng Su Phì, mà ruộng bậc thang nơi đây thoai thoải, trải từ đỉnh núi xuôi xuống triền dốc, đổ xuống thung lũng Thề Pả, dập dìu như những làn sóng êm đềm. Cung đường ngắm lúa đẹp nhất có lẽ là từ Tả Giàng Phình qua Mường Hum, Sàng Ma Sáo, Dền Sàng rồi tới Y Tý.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, người dân nơi đây sản xuất một vụ lúa mỗi năm, nên mùa nước đổ thì có một năm một lần. Khi những cơn mưa phùn se se lạnh của mùa xuân dần bị thay thế bởi cái nắng nóng bỏng của mùa hạ thì cũng là lúc những ruộng bậc thang cựa mình sau một mùa phơi ải, nước bắt đầu tràn về khắp các thửa ruộng, bao phủ khắp thung lũng. Mặt nước long lanh như tấm gương phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh khiến lòng người choáng ngợp.

ruong bac thang Hoang Su Phi

Từ một đỉnh núi cao phóng tầm mắt xuống những ruộng bậc thang uốn lượn như những đường vân của cây gỗ hàng trăm năm tuổi, xen kẽ là những ngôi nhà lợp mái lá, những thửa ruộng nom thật hiền hòa dưới nắng sớm, còn khi mặt trời lặn, cũng mặt nước ấy lại bừng lên vẻ đẹp lộng lẫy khiến lòng người ngây dại. Vào mùa cấy lúa, mỗi ngọn đồi lại rộn ràng lên tiếng nói chuyện, cười nói hiền hậu của bà con người Dao hòa cùng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, khiến cho bất cứ du khách nào đặt chân đến đầy đều cảm thấy nhẹ nhàng, mọi muộn phiền như được xóa tan, chỉ còn lại bản dao hưởng hùng vĩ của thiên nhiên, con người hòa làm một.

Ruộng bậc thang mùa lúa chín

Khi đất trời vắt nửa mình sang thu, vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách hơn bất cứ thứ gì khác. Dân xê dịch, các nhiếp ảnh gia nô nức vác máy lên bản Lìm Mông, thung lũng Khau Phạ, cung đường Chế Cu Nha – La Pán Tẩn hay thung lũng Mường Hoa để săn những bức ảnh, đôi khi vẫn một góc chụp ấy năm nay qua năm khác nhưng không bao giờ làm người ta chán. Khung cảnh trùng trùng điệp điệp vàng ruộm cả một vùng đẹp ngỡ ngàng, dù vào sáng sớm khi nắng bắt đầu le lói chiếu rọi xuống thửa ruộng lúa bắt đầu chuyển màu vàng trong không khí đất trời vẫn còn huyền ảo sau làn sương mây, hay óng vàng rực rỡ dưới ráng chiều hoàng hôn.

ruong bac thang mua lua chin 1

Nếu muốn tận hưởng trọn vẹn mùa lúa chín ở Sapa, hay thuê một chiếc xe máy, rong ruổi qua những con đường quanh co xuyên cánh đồng lúa, dẫn vào tận những bản làng nằm trong thung lũng Mường Hoa, nơi những người H’mong đang lao động cần mẫn, những người phụ nữ người Dao đầu đội chiếc khăn đỏ đặc trưng ngồi túm năm tụm ba ngay đầu ngõ, trò chuyện rôm rả trong khi tay thoăn thoắt thêu khăn.

Tham khảo tour Mù Cang Chải mùa lúa chín giá tốt nhất cùng Apple Travel tại đây. Liên hệ 094 200 9889 để book tour và đi ngay!